Đây là dự án giao thông đường bộ lớn nhất từ trước đến nay trong vùng.

Vành đai 4 TP HCM là dự án có ý nghĩa quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ , vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án có tính kết nối giao thông liên vùng giải quyết lưu thông hàng hóa, giảm chi phí logistics.

Con đường dài khoảng 207km, khái toán tổng mức đầu tư khoảng 130.000 tỷ đồng. Đây là dự án giao thông đường bộ lớn nhất từ trước đến nay trong vùng Đông Nam Bộ.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND các tỉnh thành vào ngày 26/8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đề nghị UBND TP HCM chủ trì, phối hợp với các địa phương hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án vành đai 4 TP HCM.

Dự án sẽ được trình cấp thẩm quyền thẩm định, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư trong kỳ họp tháng 10/2024. Trong đó, chủ trương đầu tư dự án sẽ xác định các dự án thành phần đi qua địa phận TP HCM và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và giao cho các địa phương tổ chức thực hiện (tương tự như vành đai 3 TP HCM).

Dự án đường Vành đai 4 TP HCM sẽ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư trong kỳ họp tháng 10/2024. Ảnh minh hoạ.

Dự án đường Vành đai 4 TP HCM sẽ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư trong kỳ họp tháng 10/2024. Ảnh minh hoạ.

Để đáp ứng tiến độ cấp bách nêu trên, UBND TP HCM đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo các sở ban ngành của địa phương tập trung cao độ, khẩn trương phối hợp với TP nhằm hoàn thiện hồ sơ dự án, trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 10/9. Đầu mối phối hợp thông qua Sở Giao thông vận tải TP.HCM là cơ quan chủ trì, tham mưu công tác chuẩn bị hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Khu vực TP HCM được quy hoạch bao quanh bởi ba tuyến vành đai , giúp giảm ùn tắc nội thành và liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, được đánh số lần lượt Vành đai 2-3-4.

Vành đai 2 dài 64km bao quanh TP HCM. Hiện tuyến này chưa được khép, do nhiều nguyên nhân mà có dự án thành phần đã ngưng trệ.

Tuyến Vành đai 3 đi qua TP HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, dài hơn 76 km. Dự án này khởi công từ tháng 6/2023, đặt mục tiêu sẽ thông xe phần cao tốc cuối năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026.

Vành đai 2-3-4 giúp liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh minh hoạ.

Vành đai 2-3-4 giúp liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh minh hoạ.

Trên Vành đai 3 sẽ xây mới cầu Nhơn Trạch, khi có thông tin cầu Nhơn Trạch rút ngắn tiến độ về đích sớm hơn bốn tháng, chủ đầu tư đã họp với Sở Giao thông vận tải TP HCM và Bộ Giao thông vận tải thống nhất ưu tiên làm một nhánh cầu ở nút giao cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, kịp đấu nối với đường dẫn cầu Nhơn Trạch vào dịp 30/4/2025.

Phần tiếp theo của gói thầu này đi tiếp về phía TP Thủ Đức cũng sẽ sớm hoàn thành. Từ đó giúp kết nối đồng bộ, xuyên suốt trục giao thông khu vực đường vành đai 3 đoạn giao với cao tốc.

Đến 2050, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển, có thu nhập cao

Năm 2023, kết quả phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ có nhiều chỉ tiêu cao hơn mức bình quân chung cả nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP cả vùng ước đạt 5,06% so với mức tăng 5,05% của cả nước.

Quy mô GRDP của vùng đóng góp vào GDP cả nước lớn nhất (chiếm 30,2% GDP), GRDP bình quân đầu người đạt 166 triệu đồng, thu ngân sách nhà nước 675 nghìn tỷ đồng, thu hút đầu tư nước ngoài có 4/6 địa phương trong vùng thuộc nhóm dẫn đầu cả nước

Cơ cấu kinh tế GRDP của vùng chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ.

Các địa phương trong vùng đã đề ra kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp theo định hướng có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Theo quy hoạch Đông Nam Bộ, tầm nhìn đến năm 2050, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển, có thu nhập cao; có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm hàng đầu của khu vực và thế giới; có kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ.

TP HCM là hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ.

TP HCM là hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ.

Đồng thời, phát triển hài hoà giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; có chất lượng cuộc sống cao, có trình độ y tế, giáo dục thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á; môi trường sinh thái được bảo vệ, phát triển hiệu quả theo hướng kinh tế xanh, carbon thấp; các giá trị, bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được giữ gìn, phát huy.

Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. TP HCM là hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng; trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á, nơi tập trung các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới; phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2031 - 2050 đạt khoảng 7,5%/năm, GRDP/người đến năm 2050 đạt khoảng 54.000 USD.