Trong 8 tháng đầu năm, vốn ngoại giải ngân vào hoạt động kinh doanh bất động sản Việt Nam đạt 1,27 tỷ USD, gấp 2 lần cùng kỳ năm ngoái. 4 phân khúc được đánh giá hưởng lợi nhiều nhất từ dòng vốn ngoại là bất động sản công nghiệp, bán lẻ, văn phòng và nhà ở.

Hút 1,27 tỷ vốn FDI

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến 31/8, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI ) đăng ký vào Việt Nam đạt 20,52 tỷ USD, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm trước.

Có 2.247 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký mới đạt gần 12 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 27% về số vốn đăng ký. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,4 tỷ USD, gấp 5,1 lần cùng kỳ và chiếm gần 20% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh, vốn FDI đăng ký vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,55 tỷ USD, gấp 3,7 lần cùng kỳ và chiếm gần 14,4% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm.

Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt gần 812 triệu USD, chiếm 29%.

Phân khúc hưởng lợi nhiều nhất

Theo thống kê của Savills , Việt Nam hiện có 33.000 ha khu công nghiệp cho thuê, với tỷ lệ lấp đầy đạt 80%, nhu cầu cao, đặc biệt là ở khu vực phía Nam. Xu hướng phát triển hiện nay đang nổi lên là các nhà kho và nhà xưởng xây sẵn, thu hút sự quan tâm đáng kể từ các nhà đầu tư. Tỷ lệ lấp đầy của loại bất động sản này trên toàn quốc cũng đạt 80%. Giá thuê trung bình hiện đạt mức 5,4 USD/m2/tháng và chủ yếu tập trung ở thị trường phía Nam.

Vốn ngoại

Bất động sản khu công nghiệp hấp dẫn nhà đầu tư và dòng vốn ngoại.

Ông Jack Nguyễn - Tổng Giám đốc InCorp Việt Nam - cho biết, dòng vốn FDI chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp sản xuất, bất động sản và năng lượng. Trong đó, Singapore, Nhật Bản và Hồng Kông - Trung Quốc vẫn là những nhà đầu tư lớn nhất.

“Chúng tôi nhận được yêu cầu tư vấn từ các công ty Trung Quốc, đặc biệt là tại thị trường khu vực phía Bắc. Nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đang chuyển đến Việt Nam để thiết lập chuỗi cung ứng của họ. Xu hướng xây dựng một khu công nghiệp quy mô lớn ngay ngoại ô thành phố hứa hẹn sẽ tạo ra một làn sóng đầu tư mới”, ông Jack nói.

Bên cạnh đó, mặc dù mức chi tiêu nội địa có phần chậm lại trong năm nay nhưng thị trường bất động sản bán lẻ cho thuê vẫn duy trì hoạt động tốt nhờ nguồn cung mặt bằng hạn chế. Nghịch lý này đang tạo ra thách thức cho các nhà bán lẻ có nhu cầu mở rộng quy mô, đồng thời đẩy mức giá thuê tại các khu vực trung tâm lên cao trong thời gian tới.

Phân khúc thị trường văn phòng và nhà ở cũng đang chứng kiến nhu cầu mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi nền kinh tế ổn định và các công ty đang mở rộng. Giá thuê văn phòng dự báo sẽ ổn định trong tương lai do nguồn cung mới và sự tập trung vào yếu tố bền vững.

Một nghiên cứu của Savills Impacts mới công bố cũng khẳng định TPHCM và Hà Nội nằm trong top những thành phố có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới nhờ các yếu tố như nhân khẩu học, đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của tầng lớp trung lưu. Kiều hối chuyển đến TPHCM đã đạt mức cao kỷ lục trong 10 năm, với ước tính 20% được đầu tư vào bất động sản, tiếp tục hỗ trợ sự phục hồi của thị trường nhà ở.